Vắc-xin bạch hầu: Vì sao cần tiêm nhắc lại?

Vi khuẩn bạch hầu đang bùng phát mạnh trở lại tại Việt Nam, nguyên nhân của đợt dịch này một phần do sự chủ quan của nhiều gia đình không tiêm phòng vắc-xin bạch hầu cho trẻ đúng lịch và không tiêm nhắc lại ở người trưởng thành. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng , vì vậy việc phòng bệnh bằng vắc-xin là vô cùng cần thiết.

1. Tổng quan về bệnh bạch hầu

Bạch hầu là một bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn bạch hầu (có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Vi khuẩn bạch hầu chủ yếu gây nhiễm trùng tại đường hô hấp, sau đó tiết ra độc tố đi vào máu và ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, gan, thận…

Đường lây truyền của bệnh chủ yếu là qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi của người bệnh hoặc người lành mang trùng. Bệnh rất dễ lây lan ở những khu vực đông đúc dân cư hoặc vùng có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ.

Sau khoảng 2-5 ngày kể từ khi tiếp xúc nguồn lây, bệnh bạch hầu bước vào giai đoạn xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng (giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác). Sau khoảng 2-3 ngày xuất hiện giả mạc màu trắng hoặc xanh đen, dai, khó tan và bám chặt vào đường thở người bệnh, khi chạm vào dễ chảy máu. Giả mạc này tiến triển rất nhanh và có thể gây bít tắc đường thở.

Bạch hầu
Bệnh bạch hầu gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm

Ngoài hệ hô hấp, vi khuẩn bạch hầu còn có thể gây tấn công vào da gây nhiễm trùng da với các biểu hiện như mụn nước có mủ ở chân và tay, vùng da xung quanh mụn nước xuất hiện vết loét lớn có thể có giả mạc gây đau đớn cho người bệnh…

Bạch hầu nguy hiểm vì các các loại độc tố tiết ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác như cơ (liệt cơ), tim (viêm cơ tim), gan thận (suy gan, suy thận) và dẫn đến tử vong rất nhanh (thể bạch hầu ác tính).

2. Vì sao phải tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu?

Sau khi sinh, trẻ sơ sinh đã có đề kháng tạm thời với vi khuẩn bạch hầu do kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang sẽ giúp bảo vệ bé trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, kháng thể này mất đi tác dụng rất nhanh chóng.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu (thường kết hợp với vắc-xin ho gà – vắc-xin uốn ván) đúng lịch và đúng liều lượng cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời và tiêm đầy đủ những mũi nhắc lại để tạo miễn dịch cho bé hoàn thiện nhất.

Lý do cần phải tiêm mũi nhắc lại vì các vắc-xin bạch hầuho gà, uốn ván chỉ tạo được miễn dịch để bảo vệ cơ thể trong một giai đoạn nhất định. Sau đó, theo thời gian, hiệu quả miễn dịch phòng bệnh đối với vi khuẩn bạch hầu , ho gà , uốn ván sẽ suy giảm, do đó khả năng mắc bệnh bạch hầu vẫn còn nếu không được tiêm nhắc lại.

Tại Việt Nam, vắc-xin bạch hầu đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ hơn 30 năm nay. Do đó, tất cả trẻ em tại Việt Nam đều cần được tiêm phòng vắc-xin bạch hầu ở trong dạng phối hợp với các vắc-xin khác (5 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib hoặc 6 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, HiB và bại liệt) bao gồm 3 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 1 tháng khi trẻ được 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18- 24 tháng tuổi.

Các loại vắc-xin cho trẻ đang có mặt ở Vinmec
Tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu giúp trẻ chống lại vi khuẩn bạch hầu

Mũi 5 nhắc lại khi trẻ được 4-6 tuổi và 9- 15 tuổi. Nhiều phụ huynh thắc mắc khi tiêm mũi bạch hầu ho gà uốn ván có sốt không thì câu trả lời là có thể, một số trẻ sẽ sốt nhẹ do cơ thể đang phản ứng để tạo kháng thể miễn dịch với bệnh, do đó cha mẹ có thể yên tâm.

Những lợi ích khi tiêm mũi nhắc lại vắc-xin bạch hầu cho trẻ bao gồm:

  • Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do vi khuẩn bạch hầu cho trẻ.
  • Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 3 tháng tuổi) chưa được chủng ngừa đầy đủ trong cùng một gia đình.
  • Tạo miễn dịch cộng đồng giúp phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng rãi.
  • Giảm các chi phí phát sinh khi mắc bệnh.

3. Các đối tượng cần tiêm vắc-xin bạch hầu nhắc lại

3.1. Trẻ từ 4 – 7 tuổi và từ 9 – 15 tuổi

Khi ở các nhóm tuổi này, đề kháng miễn dịch với vi khuẩn bạch hầu (và cả vi khuẩn uốn ván và ho gà) của trẻ đã suy giảm đáng kể từ những lần tiêm ngừa đầu tiên trong những tháng đầu đời. Bên cạnh đó, trẻ ở hai nhóm tuổi này lại sống và học tập trong môi trường đông đúc (trường học), gặp gỡ nhiều trẻ em khác, các hoạt động vui chơi, giải trí cũng nhiều hơn… nên nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, ho gà cũng cao hơn.

Do đó, việc tiêm ngừa mũi nhắc lại vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván cho hai nhóm tuổi này là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cả cộng đồng

ho gà
Trẻ từ 4 – 7 tuổi và từ 9 – 15 tuổi rất dễ nhiễm bệnh bạch hầu, uốn ván nên cần tiêm phòng sớm

3.2. Người lớn tuổi

Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng lớn thì hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể cũng suy yếu theo. Đồng thời, miễn dịch từ việc tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu trước đó cũng mất dần nên người người lớn tuổi là đối tượng dễ bị vi khuẩn bạch hầu tấn công và bệnh tình cũng nặng hơn.

Ngoài ra, các biểu hiện của bạch hầu cũng không đặc hiệu ở giai đoạn đầu, do đó việc chẩn đoán sẽ chậm trễ và rất dễ lây lan cho các thành viên khác sống chung nhà (đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin bạch hầu). Từ các lý do trên có thể nhận định người lớn tuổi là đối tượng cần tiêm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván nhắc lại để phòng tránh 3 loại bệnh nguy hiểm này.

Tiêm vắc-xin bạch hầu cho người lớn được thực hiện với 1 mũi vắc-xin tổng hợp theo chu kỳ 10 năm, bắt đầu từ mũi tiêm chủng cuối cùng trong độ tuổi 14-16 tuổi.

3.3. Phụ nữ chuẩn bị mang thai

Giai đoạn thai kỳ là lúc hệ thống miễn dịch cơ thể ở trạng thái suy yếu nên bà bầu rất dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công (trong đó có vi khuẩn bạch hầu) và ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe em bé và bà mẹ.

Do đó, nếu có ý định mang thai thì tốt nhất là chị em nên tiêm nhắc lại mũi vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng như một số vắc-xin khác để phòng ngừa tuyệt đối, giảm thiểu các rủi ro đến sức khỏe trong suốt thai kỳ.

Mang thai sau khi tiêm vắc xin cúm và bạch hầu-ho gà-uốn ván có an toàn không
Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm vắc-xin bạch hầu nhằm bảo vệ cho cả mẹ bầu và thai nhi

3.4 Phụ nữ đang mang thai

Thời gian tối ưu để tiêm vaccine bạch hầu , ho gà , uốn ván là từ tuần thứ 27 đến trước tuần thứ 36 của thai kỳ, tốt nhất là trước tuần thứ 35 để kháng thể đạt mức tối đa cho bé trước khi sinh. Điều này là để tối đa hóa phản ứng kháng thể của mẹ và truyền kháng thể thụ động cho trẻ;

3.5 Người chưa được tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván

Trong trường hợp chưa được tiêm phòng bạch hầu , ho gà , uốn ván hoặc không nhớ lần cuối cùng tiêm khi nào thì tiêm ngay 2 mũi cách nhau 30 ngày, sau đó tiêm nhắc lại với mũi thứ 3 sau 6 – 9 tháng sau mũi thứ 2.

Như vậy, có thể thấy cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu có mặt trong tất cả các loại vắc-xin kết hợp như: vắc-xin 3 trong 1, vắc-xin 4 trong 1, vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến 6 tuổi.

Từ khoá:

Bài viết liên quan Truyền thông GDSK